Cấp giấy phép lao động do thay đổi vị trí công việc trong công ty
Cấp giấy phép lao động khi người lao động thay đổi vị trí công việc mà không thay đổi người sử dụng lao động là một trong những trường hợp cấp giấy phép lao động đặc biệt được quy định tại Khoản 8 Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP. Dưới đây là trình tự thực hiện xin cấp giấy phép lao động đối với trường hợp đặc biệt này.
Bước 1: Xin chấp thuận thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài
Trường hợp này người lao động đang làm việc ở vị trí A và đã được cấp giấy phép lao động nay đổi sang vị trí B, vì vậy trước khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người lao động theo vị trí mới, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài cần thực hiện thủ tục xin chấp thuận thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Doanh nghiệp có thể tham khảo thành phần hồ sơ, hướng dẫn nộp hồ sơ trong bài viết: Hướng dẫn xin công văn chấp thuận sử dụng lao động người nước ngoài
Bước 2: Xin cấp giấy phép lao động
Như đã nêu ở trên, trường hợp cấp giấy phép lao động khi người lao động thay đổi vị trí công việc nhưng không thay đổi người sử dụng lao động là trường hợp cấp giấy phép lao động đặc biệt, vì thế hồ sơ xin cấp giấy phép lao động trong trường hợp này cũng có một số khác biệt. Căn cứ điểm b, khoản 8, Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp giấy phép lao động gồm có:
– Công văn xin cấp giấy phép lao động (Mẫu 07 Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH);
– Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
– 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
– Hộ chiếu của người lao động (Bản sao y chứng thực)
– Giấy phép lao động (Bản gốc hoặc bản sao y chứng thực)
– Các giấy tờ liên quan đến người lao động: Các giấy tờ này phụ thuộc vào hình thức người lao động đến làm việc tại Việt Nam. Ví dụ người lao động làm việc tại Việt Nam với tư cách nhà quản lý sẽ phải có quyết định bổ nhiệm/ quyết định điều động nội bộ, thư xác nhận công việc
– Thông báo chấp thuận thay đổi nhu cầu sử dụng lao động (Bản sao y chứng thực) (theo mẫu số 02)
Nhìn chung hồ sơ xin cấp mới giấy phép lao động trong trường hợp này đơn giản hơn so với trường hợp cấp mới giấy phép lao động. Người lao động không cần phải xin phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên trường hợp người lao động thay đổi vị trí công việc mà không thay đổi người sử dụng lao động nhưng giấy phép lao động được cấp đã hết hạn thì người sử dụng lao động phải làm hồ sơ xin cấp mới giấy phép lao động theo thủ tục thông thường cho người lao động.
Trên đây là hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, hy vọng những tư vấn trên sẽ giúp quý doanh nghiệp thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động dễ dàng và tiết kiệm thời gian.